Hội nghị đầu bờ về kết quả phục tráng và sản xuất giống lúa Bát cổ truyền ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh

       Việt Nam nằm trong vùng khởi nguyên của cây lúa châu Á cùng với mấy ngàn năm phát triển nền văn minh lúa nước, vì thế nguồn gen cây lúa nói chung, lúa trồng ở nước ta nói riêng được các nhà khoa học đánh giá là rất đa dạng và phong phú. Hiện tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia đang lưu giữ gần 10 ngàn nguồn gen lúa được thu thập từ khắp các vùng miền, các dân tộc trong cả nước. Trong số đó hầu hết là những giống lúa địa phương được lưu truyền trong sản xuất qua nhiều thế hệ, có nhiều giống lúa cổ truyền đã được trồng cách đây trên 200 năm cũng được thu thập và lưu giữ tại đây.

       Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương khuyến khích khai thác các giống cây trồng địa phương nhằm không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần phát triển hàng hóa đặc sản địa phương, Trung tâm tài nguyên thực vật là một trong những đơn vị của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đi đầu trong việc hiện thực hóa chủ trương này.

       Giống lúa Bát ở Hà Tĩnh có nguồn gốc trồng vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh sử dụng từ lâu đời đã được Trung Tâm Tài nguyên thực vật thu thập và lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia. Đặc điểm nổi bật nhất của giống lúa Bát là chịu hạn tốt, kháng bạc lá và gạo ngon vì thế được người dân nơi đây duy trì đến ngày nay. Tuy vậy, do giống không được tuyển chọn và phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũ nên năng suất, chất lượng đều giảm vì thế việc phục tráng và xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác để cải thiện năng suất và chất lượng giống Bát là rất quan trọng. Trong khuôn khổ triển khai Đề tài cấp Nhà nước: “Khai thác phát triển nguồn gen lúa Bát Hà Tĩnh, Khẩu cẩm xẳng, Khẩu cẩm ngâu Nghệ An” từ 2014-2017, bắt đầu từ 2014-2016 các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Tài nguyên thực vật đã tiến hành phục tráng giống lúa Bát Hà Tĩnh và đã thu 8 dòng đạt tiêu chuẩn giống nguyên chủng với năng suất đạt 3,2-3,6 tấn/ha. Vụ mùa năm 2017 đề tài đã triển khai mô hình trình diễn tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 2 ha dự kiến năng suất đạt trung bình khoảng 3,5 tấn/ha.

       Nhằm đánh giá kết quả 4 năm triển khai thực hiện nghiên cứu khai thác và phát triển giống lúa Bát tại Hà Tĩnh, ngày 22/11/2017 vừa qua Trung tâm Tài nguyên thực vật kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức “Hội nghị đầu bờ về sản xuất giống lúa Bát Hà Tĩnh” tại UBND xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

       Về tham dự Hội nghị có Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung Tâm Tài nguyên thực vật, Phòng Nông nghiệp Huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, đại diện cán bộ và bà con nông dân xã Thạch Châu.

       Sau khi nghe ThS. Hoàng Thị Huệ, Chủ nhiệm đề tài báo cáo “Kết quả phục tráng và triển khai mô hình sản xuất lúa Bát Hà Tĩnh, một số bà con nông dân tham gia triển khai đã nhận xét đánh giá những ưu, nhược điểm giống lúa Bát vừa được phục tráng và trồng mô hình tại địa phương. Một “lão nông chi điền” ở xã Thạch Châu khẳng định giống lúa Bát thích hợp với vùng đất cát ven biển đã được người dân trồng từ xa xưa nhưng gần đây năng suất và chất lượng suy giảm. Ông cũng cho biết sau khi trồng giống của đề tài phục tráng thì năng suất và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Bà con nông dân mong rằng huyện, tỉnh quan tâm đến đầu ra cho bà con nông dân nếu mở rộng quy mô sản xuất.

       Đại diện, Bộ Khoa học Công nghệ, PGS. Phạm Công Hoạt và PGS. TS. Lê Minh Sắt cho rằng kết quả đề tài khẳng định chủ trương đúng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khai thác nguồn gen cây trồng địa phương phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều yếu tố cực đoan. Hai nhà khoa học cũng cho rằng, địa phương cần quan tâm hơn nữa tới việc khai thác các giống địa phương không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn phát triển thành những đặc sản địa phương. Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương ông Lô Khăm Kha mong muốn được sử dụng giống luá Bát nhằm áp dụng cho địa phương nơi mà diện tích lúa nương chiếm đến 80-90% tại huyện này. PGS. TS. Lã Tuấn Nghĩa khẳng định vai trò của nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen trong sản xuất nông nghiệp và kết quả đề tài là minh chứng cho tầm quan trọng của bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen, đặc biệt nguồn gen bản địa, địa phương đã gắn bó nhiều đời với bà con nông dân. Ông Lê Văn Thông Chủ tịch UBND xã Thạch Châu đánh giá cao kết quả triển khai đề tài tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giống lúa Bát và ông hy vọng rằng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm tài nguyên thực vật tiếp tục hỗ trợ địa phương nâng cao giá trị sản phẩm giống lúa cổ truyền này thông qua các nghiên cứu triển khai tiếp theo.

        Với những kết quả đạt được thông qua Hội nghị đầu bờ, hy vọng rằng giống lúa Bát Hà Tĩnh sẽ có vai trò lớn hơn trong cơ cấu giống lúa không chỉ ở huyện Thạch Hà mà còn ở những nơi khác có điều kiện đất đai, khí hậu tương tự Thạch Hà.

Một số hình ảnh Hội nghị:

IMG_2118

IMG_2128

IMG_2137

IMG_2142

IMG_2156

IMG_2163

 

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.